Nghề tôm – một năm nhìn lại

Nghề tôm – một năm nhìn lại

Năm 2020, nghề nuôi trồng thủy sản Việt Nam và thế giới trải qua 12 tháng vô cùng đặc biệt và chưa từng có tiền lệ. Bài viết này trình bày một góc nhìn hẹp đối với nghề tôm trong năm qua.

Năm 2020, nghề nuôi trồng thủy sản Việt Nam và thế giới trải qua 12 tháng vô cùng đặc biệt và chưa từng có tiền lệ. Bài viết này trình bày một góc nhìn hẹp đối với nghề tôm trong năm qua.

 

Đại dịch Covid làm gián đoạn chuỗi sản xuất, nuôi trồng và tiêu thụ: Mở đầu năm 2020, đại dịch Corona virus bùng phát tại Trung Quốc, nhưng có lẽ ban đầu không ai ngờ rằng nó tồn tại lâu dài, lây lan nhanh chóng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi lĩnh vực và mọi nền kinh tế, kể cả các nền kinh tế hùng mạnh nhất trên thế giới. Vì không có các chuyến bay do giãn cách xã hội trên toàn thế giới nên việc nhập tôm bố mẹ phục vụ sản xuất giống và tạo ra các bầy tôm con chất lượng cao bị hạn chế rõ rệt, bên cạnh đó chuỗi tiêu thụ sản phẩm đứt gãy làm giá thủy sản luôn ở mức thấp gần như trong suốt năm qua, đặc biệt ảm đạm trong ít nhất 7 tháng đầu năm. Thủy sản là ngành phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, ở đầu vào phải nhập con giống bố mẹ, nguyên liệu thức ăn, thuốc, chế phẩm sinh học...và xuất khẩu trở lại tôm cá nuôi. Hệ thống vận tải bằng đường biển, đường bộ lẫn hàng không gặp nhiều khó khăn vì các lệnh hạn chế của nhiều quốc gia làm ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu đầu vào và giãn cách xã hội, đóng cửa nhà hàng, quán ăn...đã làm thị trường tiêu thụ sản phẩm giảm sút nghiêm trọng.

 

How is COVID-19 affecting the fisheries and aquaculture food systems |  GLOBEFISH | Food and Agriculture Organization of the United Nations

 

- Dịch bệnh gan tụy vẫn diễn ra mặc dù không có nhiều người nuôi. EHP làm tôm chậm lớn vẫn hoành hành, nhưng đặc biệt là bệnh phân trắng diễn ra ở cường độ cao và trên diện rộng gần như ở tất cả các vùng nuôi và tỉnh thành và không dễ dàng chữa trị. Bệnh phân trắng và EHP không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà còn diễn ra tại các quốc gia hàng đầu trong khu vực buộc người nuôi phải thu hoạch sớm. Các cuộc hội thảo trực tuyến của các chuyên gia cũng không chỉ ra được nguyên nhân nào thực sự thuyết phục để có thể làm căn cứ giải quyết được ngay vấn đề mà người nuôi gặp phải. Năm 2020 cũng là năm mà thế giới ghi nhận các bệnh mới trên tôm bao gồm “virus tôm post thủy tinh” gây hoại tử gan tụy và ống tiêu hóa (HINV), bệnh do virus ánh kim (DIV1) trên tôm nuôi thương phẩm…

 

- Nuôi tôm ao bạt đáy và qui trình nuôi nhiều giai đoạn lên ngôi – Năm 2020 là năm chứng kiến sự đột phá về qui trình nuôi ương sang nhiều giai đoạn trên hệ thống ao nuôi bạt đáy 100% nhằm hạn chế dịch bệnh, định hướng tăng trưởng, chi phí và quản lý tốt hơn cũng như đạt mục tiêu nuôi tôm về kích cỡ lớn có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên để mở rộng mô hình này cần có nhiều yếu tố: diện tích đất rộng, giá trị đầu tư lớn (yếu tố vốn), phụ thuộc vào vùng và khu vực có đủ khả năng tích trữ nước hay không, nhân công cần phải am hiểu và nâng cao tay nghề hơn…

 

Nuôi tôm siêu thâm canh trong hồ nổi tròn ở Bạc Liêu - Báo Cần Thơ Online

 

- Tình trạng dùng kháng sinh và kháng kháng sinh vẫn là vấn đề nhức nhối – Vì sự bùng phát nhiều loại bệnh nguy hiểm và khó chữa trị cho nên kháng sinh vẫn là lựa chọn hàng đầu của người nuôi toàn thế giới để thúc đẩy sự tăng trưởng của các đối tượng nuôi thủy sản và để ngăn chặn sự bùng nổ của dịch bệnh. Thậm chí, nhà nghiên cứu Lauren Sara McKnee thuộc Viện công nghệ Hoàng gia Thụy Điển đã cảnh báo rằng “nuôi trồng thủy sản là một nguồn gây ra tình trạng kháng kháng sinh trên người, do đó thách thức đối với cộng đồng chính trị và khoa học là tìm ra một giải pháp mà không làm ảnh hưởng đến an ninh kinh tế xã hội của ngành thủy sản”. Kháng kháng sinh không chỉ gây nguy hại cho sức khỏe con người mà còn cho chính ngành nuôi trồng thủy sản, các loại kháng sinh ngày càng mất tác dụng trong phòng và điều trị bệnh thủy sản.

 

- Giá tôm bật tăng cao trở lại bắt đầu từ tháng 8.2020 sau khi Việt Nam và Châu Âu (EU) ký Hiệp định thương mại tự do EVFTA và hiệp định thương mại này được thực thi vào ngày 1.8.2020. Sự tăng giá tôm cũng làm cho con tôm trở thành con át chủ bài của toàn ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam và được kỳ vọng tăng trưởng ít nhất 15% so với 2019.

 

- Trung Quốc – một trong những khách hàng lớn của ngành thủy sản Việt Nam siết chặt kiểm soát virus corona trên thủy sản nhập khẩu. Qui trình này làm gia tăng chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, thời gian thông quan lâu hơn bình thường rất nhiều và thủ tục thì đòi hỏi nhiều loại giấy tờ và chứng nhận khác nhau.

 

- Kinh doanh online – Cũng nhưng nhiều lĩnh vực khác, đại dịch Covid cũng góp phần định hướng kinh doanh online với thuốc thú ý thủy sản. Ngày càng có nhiều công ty phát triển loại hình này nhằm để đưa sản phẩm đến tận tay người nuôi và cắt bỏ các hệ thống phân phối trung gian. Mặc dù vậy, để phát triển kinh doanh online ngành thủy sản cũng còn đối diện với nhiều thách thức từ chất lượng sản phẩm, công nghệ điện toán online, logistics, và xung đột lợi ích nhất định với hệ thống phân phối truyền thống…

 

- Hy vọng vaccine: Cả thế giới, trong đó có ngành thủy sản mong mỏi vaccine được nghiên cứu, sản xuất và thành công trong việc chặn đứng đại dịch….nhưng, vào cuối năm niềm vui thông tin vaccine ra đời từ các hãng dược phẩm hàng đầu thế giới không thực sự làm mọi người kỳ vọng quá nhiều khả năng đẩy lùi đại dịch nhanh chóng vì giá cả vô cùng đắt đỏ, sự hạn chế các điều kiện bảo quản và hơn hết là các biển thể mới của virus corona lan nhanh với tốc độ chóng mặt trên toàn cầu mà ngành y tế chưa biết được các loại vaccine mới ra đời có hiệu quả với chúng hay không.

 

Anh phê duyệt vaccine Covid-19 của Pfizer để tiêm chủng vào tuần tới - Báo  Nhân Dân

 

NIỀM TIN 2021

 

Mặc dù Covid gây ảnh hưởng nhiều đến ngành thủy sản, nhưng nó cũng mang lại điểm sáng tích cực cho ngành khi mà cả thế giới biết đến Việt Nam như là một quốc gia rất thành công trong việc ngăn chặn đại dịch. Điều đó, giúp nghề nuôi tôm khôi phục tốt vào quí 4.2020 và chắc chắn sẽ còn thành công trong năm 2021 vì nhiều lý do:

 

- Các quốc gia nuôi và xuất khẩu tôm hàng đầu như Ecuador, Ấn Độ vẫn chưa thể khôi phục lại chuỗi cung ứng và dịch vụ hậu cần cho ngành vì đại dịch vẫn đang hoành hành tại các đất nước này. Chính vì vậy nguồn cung tôm toàn cầu không phải là dồi dào.

 

- Nếu vaccine mới có thể nhanh chóng ngăn chặn Covid – bao gồm cả các biến thể mới – và thế giới khôi phục lại các hoạt động nhà hàng, dịch vụ ăn uống….ngành thủy Việt Nam sẽ có lợi thế phục hồi nhanh hơn.

 

- Hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ tiếp tục được phát huy để giúp con tôm Việt Nam tiếp cận nhiều hơn đến các thị trường mới.

 

Chúng ta cũng có hy vọng về sự thay đổi của bộ máy lãnh đạo mới của nước Mỹ sẽ giúp khôi phục lại Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của Hoa Kỳ góp phần giúp ngành thủy sản Việt Nam có thêm nhiều thuận lợi.

 

Nghề nuôi cũng sẽ đối mặt với nhiều thách thức về dịch bệnh, tuy nhiên với kinh nghiệm và sự sáng tạo của người nuôi trong nhiều năm qua, đặc biệt là 2020, sẽ giúp nghề tôm Việt Nam vẫn giữ vững tốc độ phát triển nhờ vào sự cải tiến quy trình, cải thiện cơ sở hạ tầng trang trại, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới và giải quyết được nhiều vấn đề phát sinh khi nuôi công nghệ cao.

 

Bài viết được thực hiện bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận - VPAS JSC