Nuôi cá bớp – Phần I – Giới thiệu tài liệu

Nuôi cá bớp – Phần I – Giới thiệu tài liệu

Cá bớp (Rachycentron canadum) còn có tên cá bóp, cá giò. Là một trong những loài cá biển nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh

 

Cá bớp (Rachycentron canadum) còn có tên cá bóp, cá giò. Là một trong những loài cá biển nuôi có tốc độ tăng trưởng nhanh, cá được nuôi chủ yếu bằng lồng trên biển, tạo ra sản lượng lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu (thuysanvietnam.com.vn).

 

Cá bớp được nuôi tại nhiều quốc gia khác nhau, nhưng chủ yếu ở Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam.

 

Theo trang web www.thuysanvietnam.com.vn, do cá có tốc độ sinh trưởng nhanh, giá thị trường khá cao nên được nuôi phổ biến ở nhiều tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang. Năm 2000, Viện Nghiên cứu Hải sản đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống, đến nay đã có nhiều cơ sở nghiên cứu và sản xuất giống thành công tại các tỉnh ven biển như Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Khánh Hòa… Hiện, quy trình sản xuất giống cá đã ổn định và được đơn giản hóa để áp dụng rộng rãi, kể cả tại các cơ sở không có điều kiện đầu tư.

 

Cá bớp được nuôi chủ yếu bằng lồng trên biển. Có hai kiểu lồng nuôi phổ biến là lồng vuông bằng gỗ, sắt, quây lưới, thể tích 30 – 180 m3, được dùng nuôi ở vũng vịnh kín sóng gió; loại thứ hai là lồng nhựa chịu lực HDPE hình tròn (thể tích 300 m3 trở lên), có thể nuôi được ở những vùng biển hở có sóng gió lớn. Cỡ mắt lưới dùng cho lồng nuôi tăng dần theo sự tăng trưởng của cá (a = 1,5 – 3 cm).

 

Ngoài ưu điểm tăng trọng nhanh, cá bớp còn có tính thích nghi cao, kháng bệnh tốt. Cá bớp thương phẩm hiện được nuôi phổ biến bằng hình thức nuôi nhỏ lẻ để đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho các thành phố lớn trong nước, đồng thời cũng được nuôi công nghiệp với sản lượng lớn. Điển hình là Công ty TNHH Marine Farm Asa Việt Nam nuôi cá bằng lồng tròn HDPE trên vùng biển mở tại tỉnh Khánh Hòa cho sản lượng 3 – 4 nghìn tấn/năm và 80% cá thương phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài. 

 

Tài liệu khoa học về nuôi cá bớp được báo cáo bởi các nhà khoa học rất nhiều, để cung cấp thêm thông tin chuyên sâu hơn về nuôi cá bớp, tài liệu COBIA (Rachycentron canadum) - A SELECTED ANNOTATED BIBLIOGRAPHY ON AQUACULTURE, GENERAL BIOLOGY & FISHERIES 1967 – 2015 được các tác giả Uriel Rodriguez Estrada, Fanny Ayumi Yasumaru, Albert G. J. Tacon & Daniel Lemos biên soạn bao gồm danh sách các ấn phẩm về nuôi các bớp với các nội dung tóm tắt sẽ cung cấp cho người nuôi cá bớp thêm nhiều thông tin hữu ích.

 

Công việc được tiến hành với sự hỗ trợ của Hội đồng Quốc gia về Phát triển Khoa học và Công nghệ Brazil (CNPq), và được chuẩn bị như một phần các hoạt động của Dự án Nghiên cứu AquaMar. Dự án được tài trợ bởi CNPq trong chương trình “Khoa học không biên giới”. Nó chủ yếu tập trung vào các chủ đề thực tế và cấp bách hơn trong việc cho ăn và dinh dưỡng của cá và tôm biển nuôi, vì lợi ích tiềm năng của nông dân Brazil. Tổng quan tài liệu là một phần của chương trình nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu AquaMar. Chương trình cũng bao gồm các chuyến thăm kỹ thuật đến nông dân địa phương, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm và thực địa với các loài mục tiêu.

 

Công ty VPAS thực hiện lược dịch những phần quan trọng, dễ hiểu nhất của tài liệu này để cung cấp thêm thông tin cho mọi người dân nuôi cá bớp và các bạn sinh viên ngành thủy sản. Các mục sẽ được đăng tải thành từng phần riêng biệt với các đề mục rõ ràng trong phần “Kiến thức thủy sản” của trang web này.

 

BP Marketing VPAS