Làm gì để việc lột xác của tôm trở nên hoàn hảo
Trong bài trước "Tôm cần lột xác để tăng trưởng, nhưng điều đó không phải dễ dàng", bạn đã nắm được các yếu tố cơ bản ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào đến việc lột xác của tôm cũng như chu kỳ lột rộ quan trọng trong tháng. Bài này sẽ cung cấp thêm cho các bạn một góc nhìn để tham khảo và xem xét hành động cần thiết để có những mùa vụ thành công.
Các yếu tố quan trọng cần chú ý để quá trình lột xác trở nên hoàn hảo
Hàm lượng oxy: Cần phải chú ý duy trì hàm lượng oxy cao để đảm bảo quá trình lột xác tôm không bị chết vì ngạt, ngoài ra oxy đầy đủ cũng làm cho quá trình cứng vỏ diễn ra nhanh hơn do khả năng hấp thu khoáng chất từ môi trường và tái sử dụng từ lớp vỏ củ tăng lên đáng kể.
Người nuôi luôn biết rõ oxy quan trọng như thế nào nhưng thực tế là hầu hết người nuôi lại không có thiết bị hay dụng cụ đo oxy hàng ngày trong ao tôm của mình (vì các thiết bị đo thường rất đắt và cần có chi phí bảo quản, bảo trì tốn kém), đó là một thiệt thòi rất lớn. Trong khi các test kit đo oxy thì thường không có kết quả chính xác và thao tác phức tạp.
Không hẳn là khi nhìn thấy các thiết bị cung cấp oxy hoạt động hoàn hảo (và thậm chí dày đặc trong ao) thì cũng tương đồng với việc hàm lượng oxy hòa tan cao. Điều này sẽ được kiểm chứng nhanh chóng nếu như người nuôi có dụng cụ đo và kiểm tra hàng ngày cùng với việc thử tắt vài hệ thống sục khí so với việc mở tất cả hệ thống sẵn có tại nhiều thời điểm trong ngày, đôi khi người nuôi sẽ nhận thấy rằng việc mở nhiều hay ít các hệ thống sục khí cũng không khác nhau nhiều lắm về hàm lượng oxy hòa tan, và nếu đều này xảy ra thì có nghĩa là hệ thống đó đang lãng phí chi phí điện khủng khiếp.
Đó là chưa kể đến nếu lượng oxy bình thường xoay quanh 4 ppm thì khi lột xác tôm sẽ gặp nhiều nguy cơ hơn và dễ dàng chết hơn (tình trạng rớt cục thịt cũng có thể là một dạng như vậy) không phải chỉ vì thiếu oxy để thở mà còn vì chúng không thể hấp thu được khoáng chất.
Do vậy, cải thiện hệ thống cung cấp oxy và kiểm tra nó thường xuyên để đạt đến mức hoàn hảo là việc làm vô cùng cần thiết. Mặc dù điều này không hề dễ dàng thực hiện nhưng có lẽ đã đến lúc phải quan tâm hết sức nghiêm túc để có thể giảm thiểu rủi ro và tăng cao khả năng thành công của vụ nuôi.
Dinh dưỡng: Nếu không bổ sung thường xuyên trong khẩu phần ăn của tôm các khoáng chất quan trọng Ca, Mg, Phospho, Kali, Natri và Vitamin D, tôm có nguy cơ thiết hụt dinh dưỡng để có thể rút ngắn chu kỳ lột xác và lột xác hoàn hảo hơn, nhanh cứng vỏ hơn.
Tốt nhất nên tăng các yếu tố dinh dưỡng quan trọng này vào khẩu phần ăn của tôm vào thời gian lột nhiều nhất trong tháng (giai đoạn cuối chu kỳ trăng cho đến đầu chu kỳ mới) đối với tôm lớn và thường xuyên hơn với tôm nhỏ.
Khoáng chất hữa cơ cân bằng và chất lượng cao luôn giúp rất nhiều cho quá trình lột xác và tăng trưởng của tôm.
Tuy nhiên, tôm cần tích lũy đủ dinh dưỡng (chủ yếu là protein, acid amin và các acid béo quan trọng chẳng hạn như C18:2 (Acid linoleic), C20:5 (EPA) và C22:6 (DHA)) để nhanh chóng đạt đến chu kỳ lột xác tăng trưởng, vì thế các dinh dưỡng này nên được bổ sung thường xuyên từ giai đoạn 1/3 sau lần lột xác trước cho đến lần lột xác kế tiếp. Tất nhiên là người nuôi sẽ khó hình dung và phân biệt được các khoảng thời gian này vì họ luôn nhìn thấy có tôm lột trong ao, đặc biệt là các ao nuôi mật độ cao (150 con/m3 trở lên) vì thế cách tốt nhất là bổ sung các dinh dưỡng thiết yếu trên hàng ngày hoặc vào lúc tôm ít lột nhất.
Các khí độc trong ao và pH: Các khí độc có thể hiện diện với hàm lượng ít trong ao, nhưng nó sẽ trở thành mối nguy lớn cho tôm khi chúng lột xác, thậm chí nếu khí độc tồn tại dai dẳng trong ao nuôi còn có thể là yếu tố gây stress thường xuyên cho tôm và quá trình lột xác khó giúp tôm tăng trưởng tốt.
Một lần nữa, vai trò oxy trở nên vô cùng quan trọng, nhìn chung oxy càng cao và duy trì tốt hàm lượng hòa tan ở mức cao luôn là chìa khóa quan trọng để khống chế khí độc hình thành trong ao và dĩ nhiên hạn chế tối đa tính độc của chúng khi tôm lột xác để giảm hoặc gần như không có tôm chết do khí độc.
Giá trị pH trong ao nếu cao hơn 8.3 thường làm trì hoãn quá trình lột xác, vì vậy nên điều chỉnh pH dưới mức này và giữ nó ổn định suốt vụ nuôi.
Giảm thiểu sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh: chế phẩm sinh học cần được sử dụng thường xuyên (và tốt nhất là cùng với hàm lượng oxy cao, ít nhất trên 6 - 7 ppm) luôn giúp tạo ra môi trường ổn định và tuyệt vời cho sự lột xác của tôm và giúp tôm chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh. Mặc dù vậy, không phải tất cả các chế phẩm sinh học thương mại trên thị trường đều xuất sắc và có hiệu quả, vì vậy người nuôi luôn cần kiểm chứng chất lượng sản phẩm bằng nhiều cách khác nhau. Và vấn đề này là một chủ đề lớn mà tôi sẽ quay lại vào lúc khác.
Khuyến cáo hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh cũng bao gồm cả việc cho ăn chế phẩm sinh học (vi sinh vật sống có lợi) sau khi lột xác rộ, hay ngay trong lần tăng thức ăn đầu tiên sau khi lột xác, và qui trình này nên được kéo dài ít nhất 3 ngày liên tục với hầu hết các cử ăn có thể phối trộn probiotic được.
Chiến lược quản lý lột xác tiềm năng
Một số hoạt chất có nguồn gốc thực vật có thể giúp rút ngắn chu kỳ lột xác, chẳng hạn như Một số phytoecdysteroids, được tìm thấy trong các loài thực vật thuộc họ dền (Amaranthaceae) và họ Moraceae, được chứng minh là có cấu trúc tương tự như hormone tăng trưởng của côn trùng và động vật giáp xác có thể là hoạt chất kích thích tăng trưởng và lột xác cho tôm trong tương lai. Mặc dù vậy những hoạt chất như thế này vẫn chưa được cho phép ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản và cần được nghiên cứu thêm rất nhiều vì chúng cũng có thể gây nên các phản ứng phụ.
Một giải pháp đơn giản khác là luôn bổ sung lipid (chất béo) vào khẩu phần ăn vì sự hiện của lipid trong gan tụy luôn giúp rút ngắn quá trình lột xác. Tuy nhiên, người nuôi lại thường không thích dùng các sản phẩm có hàm lượng lipid cao do lo ngại bệnh phân trắng và các bệnh liên quan đường ruột khác.
Bài viết được thực hiện bởi: KS. Nguyễn Thành Quang Thuận – VPAS JSC
Tài liệu tham khảo:
1. Daniel Lemos and Delphine Weissman - Moulting in the grow-out of farmed shrimp: a review. Review in Aquaculture 1-13.
2. Galindo C, Gaxiola G, Cuzon G, Chiappa-Carrara X (2009) - Physiological and biochemical variations during the molt cycle in juvenile Litopenaeus vannamei under laboratory conditions. Journal of Crustacean Biology 29: 544–549.
3. Charmantier G, Soyez C, Aquacop (1994) Effect of molt stage and hypoxia on osmorregulatory capacity in the peneid shrimp Penaeus vannamei. Journal of Experimental Marine Biology and Ecology 178: 233–246
- Sử dụng Bacillus amyloliquefaciens để xử lý nước nuôi trồng thủy sản
- Tối ưu hóa khẩu phần cho tôm nuôi trong điều kiện độ mặn thấp
- Omega-3 trong cá rô ngọc nuôi có thực sự cao hay không?
- Aflatoxin và mycotoxin là gì?
- Liệu các gốc tự do (ROS) có nên tự do?
- (2) Các quyết định quan trọng trong việc thu hoạch và đóng gói tôm
- Đặc tính sinh học của Bacillus subtilis
- Tôm cần lột xác để tăng trưởng, nhưng điều đó không phải dễ dàng